Chùa Hàm Long có lịch sử lâu đời được nhiều người biết đến là ngôi chùa nhốt vong, cắt trùng tang nổi tiếng. Cùng với không gian kiến trúc cổ kính, mái chùa rêu phong.
Chùa Hàm Long là ngôi chùa cổ hơn 1000 năm tuổi nổi tiếng ở Bắc Ninh. Dù có không gian kiến trúc độc đáo, sự linh thiêng nhưng ngôi chùa này lại được người đời biết đến nhiều với tên gọi chùa nhốt vong, chùa cắt trùng tang hay nơi nhốt Thần trùng tang lớn nhất trời Nam. Vậy, thực hư câu chuyện sự tích “nhốt vong trùng tang” là như thế nào? Cùng tìm hiểu các thông tin có trong bài viết dưới đây
1. Chùa Hàm Long ở đâu?
Chùa Hàm Long là một trong những ngôi chùa cổ ở tỉnh Bắc Ninh, tọa lạc tại xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Ngôi chùa nằm trên một sườn đồi, bao quanh là những cây cổ thụ nhiều năm tuổi. Chùa được xây dựng trên một vị trí có phong thủy tốt, nằm tại chính Hàm con rồng tại núi Long Lĩnh. Bao quanh là ngọn núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân và núi Rùa.
Tham khảo thêm:
- Hiện tượng trùng tang liên táng và cách hóa giải – Hỏi đáp
- Sự thật vè thần Trùng, Trùng tang có thật không? Tham khảo bài viết sau
- Trùng tang thường bắt ai? Nguyên nhân và cách hóa giải chi tiết
Ngôi chùa có kiến trúc cổ kính với những ngọn tháp rêu phong, những bức tường, những khung cảnh mang vẻ u tịch theo thời gian. Khung cảnh này trái ngược hoàn toàn với sự đông đúc với những ngôi chùa nổi tiếng khác. Du khách tới chùa Hàm Long không chỉ để thăm quan vãn cảnh mà còn tới để cầu tài, cầu lộc và còn được nghe kể về những sự tích tâm linh huyền bí.
Chùa Hàm Long cách thành phố Hà Nội khoảng 40km nên việc di chuyển vô cùng dễ dàng và tiện lợi. Du khách có thể lựa chọn xe máy, ô tô hoặc xe khách. Chùa không thu phí vào cửa, mở cửa tất cả các ngày trong tuần và cả ngày lễ tết.
2. Lịch sử chùa Hàm Long ngàn năm tuổi
Dựa theo các tài liệu còn ghi lại trong chùa, cổ tự chùa Hàm Long được xây dựng năm 1115, dưới thời nhà Lý bởi Hòa thượng Trịnh Thập có pháp danh là Như Trừng Lân Giác. Các sư thầy phong thủy thời xưa cho rằng ngôi chùa này nằm ở vị trí phong thủy tốt, tọa lạc trên đất hội tụ Long – Ly – Quy – Phượng nên đây là một đình Phật giáo lớn nhất đất Bắc. Đường lên chùa phải men theo những bậc đá, xung quanh là rất nhiều loại cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.
Sở dĩ có tên gọi là Hàm Long là vì núi Thần Long (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) như một chiếc án thư che chắn cho ngôi nhà phía trước. Xung quanh được bao bọc bởi các ngọn núi như Phụng Hoàng, Kỳ Lân và núi Rùa.
Tính đến nay, chùa Hàm Long vẫn lưu giữ được những bức tượng Phật cổ cùng với 14 ngôi tháp mộ được xây dựng từ thời nhà Trần, Hậu Lê và nhà Nguyễn. Trong đó, cổ kính nhất và đẹp nhất là pho tượng Phật Thích Ca cao tới 2,1 mét; tượng A Nan và Ca Diếp cao 1,86m; tượng Hoàng hậu Maya cao 1,58m. Các bức tượng này đều được đúc bằng đồng, kỹ thuật vô cùng tinh xảo.
3. Sự thật về chùa Hàm Long không phải ai cũng biết
3.1. Chùa Hàm Long – Đệ nhất nhốt trùng, nhốt vong
Hiện nay, du khách thập phương tới chùa Hàm Long để cầu bình an, may mắn hay vãn cảnh thì ít mà chủ yếu đến để “nhốt vong – nhốt trùng”. Chùa Hàm Long là nơi tu tập của Hòa thượng Trịnh Thập – pháp danh Như Trừng Lân Giác. Sư tổ Như Trừng Lân Giác chính là người đặt nền móng cho việc “nhốt vong” ở ngôi chùa ngày.
Vậy, việc “nhốt vong” có thật không? vì sao người ta lại mang vong đến chùa Hàm Long để nhốt? Sinh thời, thấy chúng sanh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ (gọi là trùng tang) sư tổ Như Trừng Lân Giác đã lập ra kinh “Thập nguyện cứu sinh” và bộ ván in khắc phù giải để giúp cho vong hồn được siêu thoát.
Sau khi sư tổ Như Trừng Lân Giác viên tịch, để lại 2 ngọn tháp đó là tháp xây gạch chứa xá lợi của ngài và tháp còn lại bằng đá gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác chứa công đức tu tập của sư tổ.
Kỳ thực, việc nhốt vong ở chùa Hàm Long là việc dùng kinh kệ hồi hướng cho vong hồn được siêu sinh. Sau này, có rất nhiều cao tăng đến chùa Hàm Long tu tập trong đó có Thiền sư Dương Không Lộ – người nổi tiếng có khả năng hóa giải các loại “trùng”. Cũng vì lẽ đó mà chùa Hàm Long được mệnh danh là “đệ nhất nhốt trùng”.
Không biết đã có bao nhiêu vong được “gửi”, được “nhốt” ở chùa Hàm Long để nghe kinh kệ siêu sinh mà chỉ biết rằng khi có chuyện trùng tang, người ta lại nghĩ tới ngôi chùa này. Từ đó, sinh ra nhiều câu chuyện ma mị.
3.2. Sự thật về những con đom đóm và nồi cháo trắng
Dựa theo lời kể của người dân xung quanh chùa, cứ khoảng 5 – 7 giờ chiều, trời chập choạng tối là có thể thấy ở trong chùa có vô vàn con đom đóm bay ra, con nào con nấy đều to bằng đầu ngón tay, phát sáng rực rỡ. Người ta đồn rằng là nhà chùa thả vong đi chơi, cho vong bớt nhớ tới dương gian.
Sau 7 giờ tối, đom đóm cũng tự nhiên biến mất, không thấy nữa. Người ta lý giải rằng, giờ đó là giờ mà vong phải về chùa vì nhà chùa sợ rằng nếu vong ở dương gian quá lâu thì sẽ tìm về nhà hay gây hại cho người sống ở đó.
Hàng ngày, các sư tăng trong chùa nấu cháo cúng chúng sinh hai bận sáng và chưa. Người ta tin rằng, nồi cháo ấy là để cúng vong linh khỏi bị đói. Nếu chẳng may ngày nào các sư tăng không cúng cháo thì y như rằng gà, vịt, ngan, ngỗng,….của người dân xung quanh đó lăn đùng ra chết vì vong đói, vong đi tìm thức ăn.
3.3. Lá bùa hình người để “trấn vong”
Khách tới chùa Hàm Long với mục đích “trấn trùng” thường được nhà chùa phát cho hai loại bùa. Một là tấm bùa hình mặt Phật ở phía sau có chữ Nho và loại thứ hai là làm bằng giấy nhiều màu, quấn thành hình người, mỗi chiều khoảng 3cm.
Cả 2 lá bùa này đều đã được cao tăng trì chú nên có tác dụng trong việc ngăn chặn các linh hồn lang thang quay về ám hại gia đình. Nếu như đeo bên người còn có tác dụng tốt với sức khỏe, bình an. Những người mang “vong” đến chùa Hàm Long để “trấn trùng” thì sẽ phải đeo lá bùa trong 3 năm liên tiếp đến khi cải táng thì mới được bỏ lá bùa ra khỏi người.
3.4. Chùa Hàm Long có thể chữa bệnh “vong hành”
Khá thường xuyên, nhà chùa hay tiếp nhận những người bị điên loạn, khi người ta cắn xé quần áo kêu gào; có trường hợp người nhà phải trói lại và chở ô tô tới. Đến đây, nhà chùa làm lễ, những người đó cứ như thế khỏi, trở lại là bình thường và khi hỏi lại thì họ không nhớ được sự việc trước đó.
Có thể bạn quan tâm:
- Tôn giáo là gì? Phân loại các tôn giáo chính hiện nay
- Xem hướng nhà chuẩn xác, phù hợp theo từng năm tuổi
3.5. Làm sao để đưa vong bị trùng tang lên chùa Hàm Long?
Làm sao để đưa vong bị trùng tang lên chùa Hàm Long?
Thông thường, khi đến gửi vong người nhà cần đem tới một bức ảnh và các thông tin về người mất như tên, tuổi, ngày/giờ mất, giờ liệm, giờ an táng. Tiếp đó, nhà chùa sẽ cho người thân trong gia đình lá bùa đeo trong 3 năm để tránh tai họa. Khi gửi vào chùa, gia đình cần thực hiện đúng những điều sau:
- Sau khi gửi lên chùa, gia đình không được lập bàn thờ cúng bái người mất kể cả ngày giỗ. Bởi vì có hương là sẽ có hồn chỉ cần đốt hương, đọc tên người chết thì coi như là chìa khóa mở cửa ngục cho vong thoát ra bên ngoài.
- Khi đưa vong lên chùa phải nhờ người khác, không phải là họ hàng. Nếu nhờ được bạn bè thì là tốt nhất còn không thì nhờ người bên họ ngoại. Vong chết trùng thường rất khôn ngoan nếu thấy người quen đưa đi thì sẽ đi về theo hoặc là nó đã biết trước và không đi theo.
- Sau khi cải táng người mất thì mới được thờ cúng bình thường
- Nên đeo bùa theo hướng dẫn của nhà chùa để tránh rủi ro.
Việc trùng tang hay nhốt trùng tang vẫn chưa được khoa học chứng minh và nó chỉ là quan niệm dân gian, kinh nghiệm sống của cha ông. Những người dân tin rằng, chùa Hàm Long có thể trấn vong nên nhờ các sư thầy giúp. Nhà chùa nhận làm lễ siêu độ cho người đã khuất, giúp an ủi người thân trong gia đình. Và đặc biệt là nhà chùa không hề khuyến khích việc mê tín dị đoan.
Trên đây là các thông tin về chùa Hàm Long hy vọng sẽ giúp ích với bạn. Khi tới chùa Hàm Long bạn nên ăn mặc lịch sự, kín đáo và tuân theo các quy định của nhà chùa nhé.