Ông cha ta có câu “gieo nhân nào gặt quả ấy” hay “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Kì thực đây là những quan niệm bắt nguồn từ cơ sở lí luận hạt nhân của triết lí phật giáo. Có thể nói, không hiểu quy luật “nhân quả” tức chưa thực sự hiểu về Phật giáo. Hãy cùng tìm hiểu về luật nhân quả trong phật giao ở nội dung bên dưới.
1. Hiểu biết về luật nhân quả trong phật giáo
Luật nhân quả là một quy luật không thể bị thay đổi. Mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống có quan hệ với nhau qua các tiền kiếp và liên quan đến sự tồn tại của 1 sinh vật, không thể bị thay đổi hoặc khó bị thay đổi, là 1 quy luật sẵn có của vũ trụ.
Luật nhân quả vận hành theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để cân bằng trật tự của vạn vật trong không gian.
Trong giáo lý nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật tồn tại một cách khách quan không phải do Phật đà quy định hay tự tạo nên. Đức Phật chỉ đem quy luật ấy nói cho mọi người biết, tức ngay đến phật tử hay đức phật cũng không thoát khỏi quy luật này.
Trong thực tế cuộc sống cũng có vô vàn những điều xảy ra xung quanh chịu sự chi phối của luật nhân quả nhưng đôi khi chúng ta không để ý. Vì vậy, trước hết muốn hiểu về Phật giáo thì cần làm rõ vấn đề nhân quả.
2. Giải thích luật nhân quả trong phật giáo
Theo giáo lí ở kinh Phật, “Nhân quả” hay còn gọi là “nghiệp, nhân, duyên, quả, báo”. Trong đó từ ý nghĩa của từ “nghiệp” có thể hiểu là hoạt động, tạo tác của cơ thể và tâm ý con người, tức tất cả hành vi, lời nói tư tưởng. Theo cơ quan tạo tác, nghiệp được chia thành “thân nghiệp’, “khẩu nghiệp” và “ý nghiệp”, tức hành vi thân thể, lời nói và ý nghĩ.
Về tính chất, nghiệp lại được chia thành ba loại đó là “thiện nghiệp”, “ác nghiệp” và “không thiện không ác”. Tuy “nghiệp” là cái không thể nhìn thấy, không sờ mó thấy nhưng nó lại có sức ảnh hưởng rất lớn, nó chi phối cuộc sống của con người. Nói một cách đơn giản, “nghiệp” chính là nguyên nhân hay còn gọi “nhân nghiệp”. “Quả” là kết quả, “báo” có nghĩa là báo ứng, ứng vào.
“Duyên” là điều kiện, ví dụ, khi gieo hạt tức “nhân” gặp điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tức là “duyên” thì tạo ra “quả”. Nói cách khác, khi nhân và duyên kết hợp với nhau thì mới tạo ra quả báo, hay nguyên nhân trong một điều kiện chín muồi thì sẽ cho ra kết quả tương ứng. Nếu gặp điều kiện tốt thì nhanh ra quả, nếu gặp điều kiện không tốt thì chậm cho ra quả.
Trong cuộc sống thường nhật, khi chúng ta làm một việc gì đó, nói một câu hay thậm chí một ý nghĩa trong đầu thì đó là đang gieo cái nhân tức đang tạo ra nghiệp. Căn cứ vào cái “nhân” đó thiện hay ác thì sẽ tạo thành nghiệp thiện hoặc nghiệp ác không giống nhau.
Khi báo ứng tạo ra kết quả vui buồn sướng khổ cũng khác nhau, đúng như câu khái quát của triết lí này là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Cụ thể, có cái thiện như thế nào thì sẽ tạo ra cái phúc thế ấy. Có cái ác như thế nào thì sẽ nhận được cái khổ tương ứng.
“Thiện” là làm lợi cho người khác, khi làm điều có lợi cho người khác cũng chính là làm lợi cho mình. “Ác” là làm hại người khác, cũng chính là tự hại mình, khi bắt đầu hại người thì kết thúc sẽ là làm hại mình. Đó là một quy luật khách quan, hay còn gọi là “luật nhân quả” trong cuộc sống con người.
3. Luật nhân quả trong đời sống hàng ngày
Quy luật này có mối liên hệ mật thiết với sự sống chết luân hồi. Con người có sinh ra thì có chết đi, chết rồi lại được đầu thai để sinh ra, sự sinh tử luân hồi ấy là từ nhân đến quả, từ quả đến nhân, liên tục không ngừng.
Con người khi sinh ra ở chỗ nào, khi chết đi sẽ đi về đâu đều do cái nghiệp tự tạo ra trước đó chi phối. Nghiệp giống như một hạt giống, một tin tức được cất giữ trong kho, nhà phật gọi là thức thứ tám hoặc tàng thức, kho ấy có tác dụng vận chuyển những điều thiện ác từ kiếp trước (quá khứ) của một con người đến kiếp sống hiện tại của người đó.
Sau đó, nó lại vận chuyển những việc thiện ác của cuộc sống hiện tại đến kiếp sống tiếp theo, tức tương lai. Muốn biết kiếp trước của người đó như thế nào, nhìn những điều họ đang phải nhận là có thể biết được. Muốn biết kiếp sau của người đó thế nào thì nhìn vào những việc họ đang làm là có thể biết được.
Vì vậy mới có thể nói, từ nghiệp nhân đến quả báo, từ quả báo đến nghiệp nhân cứ lưu chuyển luân hồi liên tục không không bao giờ ngừng nghỉ. Những điều vui sướng buồn khổ, thế vận hưng thịnh suy thoái trong cuộc sống mỗi con người hiện tại cũng đều do cái nghiệp của người đó tạo ra từ trước.
Và họ phải tự chịu trách nhiệm với những điều mình đã làm. Vì vậy, phật mới nói “tự làm tự chịu, cùng làm cùng chịu”. Những điều đã làm (nhân) khi chưa nhận được “quả” thì không thể tự mất đi mà nó được ghi lại, được lưu giữ lại, đợi đến khi duyên đến thì mới sinh ra quả.
Ngược lại nếu không tạo tác ra nghiệp nhân thì cũng không nhận được kết quả tương ứng. Nghiệp ấy chính là nghiệp thiện và nghiệp ác.
Trên đầy là những kiến thức có liên quan tới luật nhân quả trong phật giáo. Hy vọng những giải đáp ở phía trên đã giải quyết được những thắc mắc của bạn.